
Với bề dài lịch sử, văn hóa lâu đời, kiến trúc truyền thống Việt Nam có những giá trị độc đáo và giá trị văn hóa riêng. Ngay nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội và sự sâm nhập của các nét kiến trúc mới, kiến trúc truyền thống dân tộc vẫn giữ được chỗ đứng.
Đất nước Việt Nam có bề dày lịch sử hơn 4000 năm với rất nhiều những sự kiện, biến cố lịch sử. Tất cả những điều đó góp phần làm nên đặc trưng riêng trong văn hóa truyền thống của người Việt.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam cũng là nơi giao thoa giữa 2 nền văn minh cổ đại lớn của Châu Á – Ấn Độ và Trung Hoa. Đồng thời cũng là nơi trung chuyển, giao thương của nhiều nền văn hóa khác trong lịch sử.
Vì thế, kiến trúc truyền thống Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ sự giao thoa văn hóa này. Nhìn chung, những công trình mang phong cách này sẽ thể hiện sự gắn bó với cộng đồng làng xã, nhưng cũng đồng thời đảm bảo phù hợp với khí hậu và văn hoá của từng địa phương, vùng miền.


Nhà sàn tây bắc có những nét đặc trưng riêng của từng dân tộc thiểu số như: Thái trắng, Thái đen, Mường, Tày… Tuy nhiên về kiến trúc cơ bản điều dễ nhận biết nhất của nhà sàn tây bắc là hình dạng mái, gồm 2 mái chính và 2 mái đầu hồi 2 bên theo chiều dài ngôi nhà. Hình thái kiến trúc này được hình thành từ thói quen sinh hoạt của người đồng bào Tây Bắc vì nhà thường dài và bố trí cửa sổ xung quanh nhà vì vậy cần có mái che để chống tạt mưa và chống nắng trực tiếp
Về tinh thần, “kiến trúc mở cửa” phóng khoáng với cộng đồng của ngôi nhà dân tộc miền núi thực sự là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Ngôi nhà truyền thống dân tộc với cách xây dựng, và khai thác vật liệu hoàn toàn tự nhiên. Khung cột dầm, sàn từ gỗ xoan. Xà gồ, vì kèo sườn mái từ tre, gỗ tạp. Mái lợp bằng rơm rạ, mây, cọ. Tường, vách cửa sổ, cửa đi, từ tre nứa. Thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Xây dựng hoàn toàn thủ công. Nét đẹp kiến trúc nhà Tây Bắc là nét đẹp hòa mình với thiên nhiên.

Kiến trúc Hà Nội cổ được tập trung chủ yếu trong những khu phố cổ hay còn gọi là khu “36 phố phường.” Phố được kiến tạo bởi các ngôi nhà nhỏ bé với mái tranh hay mái ngói, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác.
Khi con cái lớn lên, bố mẹ chia nhà cho các đôi vợ chồng trẻ theo từng gian. Nếu cần phát triển hơn nữa về diện tích để ở thì họ phát triển theo chiều cao để thành những tầng nhà hẳn hoi, do đó ta thấy có những nhà chiều ngang chỉ vài ba mét nhưng làm cao đến 2, 3 tầng và có chiều sâu tới vài chục mét. Chính vì vậy mà nó được gọi với cái tên là “nhà hình ống.”
Kiểu kiến trúc đó nhằm đảm bảo thông gió và lấy sáng cho không gian sống của các căn nhà. Bởi vậy, kiến trúc đặc trưng của Hà Nội cổ là kiểu nhà ống, một phong cách thường thấy ở các đô thị Cổ Việt Nam.


Kết cấu chịu lực chính là gỗ, gồm có hệ thống cột gỗ và dầm gỗ, và kèo gỗ. Tường bao xung quanh là tường gạch với kỹ thuật xây dựng truyền thống từ xa xưa (gạch được đúc đặc thủ công bằng vữa vôi, không sử dụng xi măng). Hệ thống kết cấu mái là hệ thống kèo gỗ theo kiểu nhà dân gian truyền thống (chồng rường). Mái nhà dốc về hai phía được lợp bằng ngói ta, gồm có 2 lớp ngói: lớp ngói lót là ngói chiếu, lợp ngói bên trên là ngói mũi hài. Các chi tiết trong kiến trúc của ngôi nhà đều được xây dựng theo phương pháp đối xứng với nhau, cửa đi ở giữa, hai bên là hai cửa rộng dùng làm nơi bán hàng. Cửa sổ rộng giáp với mặt phố là cửa lùa bằng gỗ ván đặt theo chiều đứng và có thể tháo ra được, còn các cửa ra vào với cửa bán hàng là cửa bức bàn có then cài. Cửa ra vào tầng hai của lớp nhà hai được thiết kế theo kiểu cửa thượng song hạ bản, có trang trí hình khắc gỗ tứ quý. Phía trên cửa đi và cửa bán hàng là phần ô cửa thông thoáng được trang trí bằng các con tiện gỗ chạy dọc suốt mặt tiền. Vì vậy, khi phần cửa dưới được đóng toàn bộ thì phần cửa trên chính là nơi để lấy ánh sáng và thông gió cho toàn bộ ngôi nhà.



Đặc trưng nổi bật của nhà Rông là mái cao vút, chúng ta cùng tìm hiểu về nguyên nhân nó được tạo thành. Mái nhà rông cao vút không chỉ là một đặc điểm kiến trúc độc đáo mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và đời sống của người dân Tây Nguyên.
Dưới đây là một số lý do chính:
Biểu tượng của sức mạnh và tinh thần cộng đồng: Mái nhà cao vút như lưỡi rìu thể hiện sức mạnh và tinh thần thượng võ của người dân Tây Nguyên, đồng thời là biểu tượng của sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Nó thể hiện sự uy nghi, bề thế của buôn làng.
Không gian sinh hoạt cộng đồng: Mái nhà cao tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ, phù hợp cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như hội họp, lễ hội, cúng tế. Nhà rông cần không gian rộng để có thể chứa được nhiều người cùng hội họp hoặc nhảy múa. Nhà rông phải cao để voi đi qua không đụng sàn và khi múa rông chiêng, giáo không vướng mái.
Ý nghĩa tâm linh: Người dân Tây Nguyên quan niệm rằng mái nhà cao vút là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, là cầu nối giữa con người với thần linh. Nhà rông là nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng.
Công năng sử dụng: Mái nhà cao giúp thông gió, làm mát không gian bên trong, phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Tây Nguyên. Mái nhà rông phải chắc để chịu được gió bão trong một thời gian dài. Mái hình elip nhìn có vẻ mất cân đối so với tổng thể căn nhà, nhưng lại có tác dụng giảm sức cản gió tốt, hơn nữa còn tạo ra sự khác biệt so với các căn nhà sàn của người dân trong bản.

Đặc điểm nổi bật nhất của nhà dài Ê Đê là chiều dài của nó. Ngôi nhà có thể dài từ vài chục mét đến hơn 100 mét, tùy thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình. Truyền thống của người Ê Đê là khi con gái lấy chồng, căn nhà sẽ được nối dài thêm để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Điều này giải thích tại sao nhà dài Ê Đê thường rất dài.
Nhà dài Ê Đê thường được chia thành hai phần chính:
Gah: Là phần phía trước của ngôi nhà, dùng làm nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình và là nơi đặt các vật dụng quan trọng.
Ôk: Là phần phía sau của ngôi nhà, dùng làm nơi ở của các thành viên trong gia đình, được chia thành các gian nhỏ cho từng cặp vợ chồng.
Trong nhà dài, bếp lửa đóng vai trò trung tâm, là nơi nấu nướng, sưởi ấm và là biểu tượng của sự ấm cúng, đoàn kết gia đình.
Cầu thang: Nhà dài Ê Đê thường có hai cầu thang, một ở đầu nhà và một ở cuối nhà. Cầu thang thường được làm bằng gỗ, trang trí hoa văn tinh xảo. Nhà dài Ê Đê thường được xây dựng theo hướng Bắc – Nam, nhằm đón gió mát vào mùa hè và tránh gió lạnh vào mùa đông. Vị trí của nhà dài thường được chọn ở nơi cao ráo, thoáng đãng, gần nguồn nước và có cảnh quan đẹp. Đòn nóc của nhà dài được đặt theo hướng Bắc-Nam, cầu thang được mở ở hai đầu hồi nhà, điều này giúp tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa. Hai mái nhà dài được đặt cắt ngang đường đi của mặt trời, nên tránh được giờ nóng cao nhất trong ngày.

Bố cục không gian:
Nhà ống: Kiểu nhà ống đặc trưng của Hội An có chiều sâu dài, giúp tạo ra không gian sống đa chức năng. Bố cục nhà thường được chia thành nhiều không gian khác nhau, bao gồm không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng.
Sân trong: Sân trong là một yếu tố phong thủy quan trọng, giúp điều hòa không khí và mang lại ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Sân trong cũng tạo ra một không gian xanh mát, giúp cân bằng âm dương trong nhà.
Giếng trời: Giếng trời là một đặc điểm kiến trúc thường thấy ở Hội An. Nó có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, giúp không khí lưu thông.

Nhà cổ Hội An có hệ thống mái ngói cong cong, bờ nóc cong vút, với nhiều lớp ngói xếp chồng lên nhau. Kiểu mái này không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn giúp thoát nước tốt, chống nóng hiệu quả. Kế đó là hệ thống cửa ra vào và cửa sổ được thiết kế cao, rộng, không có song cửa, làm bằng gỗ, có nhiều hoa văn trang trí đẹp mắt tạo cảm giác thông thoáng và rộng rãi cho căn nhà. Sân nhà là một điểm độc đáo khác, các ngôi nhà thường có sân nhỏ phía trước, thường được lát gạch hoặc trồng cây xanh, là nơi để mọi người sinh hoạt, tiếp khách hoặc ngắm cảnh. Hệ thống cửa sổ, cửa ra vào rộng mở, cùng với những khoảng sân nhỏ trước nhà, các ngôi nhà luôn đón nhận được nguồn ánh sáng và gió mát tự nhiên.


Nhà rường Huế là gì? Tại sao lại gọi là “rường”. Rường là cách gọi tắt của rường cột. Nhà rường Huế được xây dựng bằng hệ thống cột kèo gỗ với thiết kế cấu trúc theo mô hình chữ đinh, chữ công, chữ khẩu, nội công ngoại quốc. Nhà được cấu tạo từ hệ thống chốt và mộng gỗ giúp dễ dàng lắp ghép hoặc tháo dỡ. Nhà rường gỗ Huế có mái thấp cùng độ dốc lớn giúp thoát nước mưa tốt. Tổng thể ngôi nhà hầu như được xây dựng từ những loại gỗ tốt. Mái nhà rường được lợp bằng ngói liệt với hai lớp dày chồng lên nhau. Vì vậy, vào mùa hè, ngôi nhà có không khí mát mẻ, mùa đông lại ấm áp. Mái nhà được thiết kế với độ dốc lớn giúp nước mưa thoát nhanh nhằm thích ứng với đặc điểm thời tiết thường xuyên mưa bão vào những tháng cuối năm ở Huế.

Mỗi bản vẽ nhà rường Huế ngoài phần nhà ở chắc chắn không thể thiếu khu vực vườn xung quanh nhà. Vườn nhà rường Huế được thiết kế rất phức tạp, công phu để vừa đáp ứng yếu tố thẩm mỹ, vừa không phạm những điều tối kỵ. Cây cối trong nhà rường thường bố trí vườn theo hướng: Đông trồng đào, Tây trồng liễu, trước cau, sau chuối. Sân vườn: Sân vườn rộng rãi, thoáng đãng là yếu tố quan trọng trong phong thủy nhà rường Huế. Sân vườn giúp điều hòa không khí, tạo không gian xanh mát và mang lại năng lượng tích cực cho ngôi nhà. Bình phong: Bình phong được đặt trước cửa chính để chắn gió độc và ngăn chặn năng lượng xấu xâm nhập vào nhà. Hòn non bộ, bể cạn: Hòn non bộ và bể cạn được bố trí hợp lý trong sân vườn để tạo sự cân bằng âm dương và mang lại sự hài hòa cho không gian. Đa phần các mẫu nhà rường Huế đều được xây về hướng Nam. Bếp được thiết kế nằm bên trái, vuông góc với nhà chính. Nhà rường luôn được xây dựng có không gian cây trái hoặc hàng cau trước sân cùng cổng lớn và lối đi dẫn từ cổng vào nhà. Tuy nhiên, bản thiết kế phải đảm bảo khách đến nhà phải đi rẽ sang hai bên lối dẫn chứ không đi thẳng trực tiếp. Thiết kế không gian nhà rường Huế tuân thủ nguyên tắc và triết lý phương Đông truyền thống. Người xưa lấy nguyên tắc “thái cực – lưỡng nghi” kết hợp “tứ tượng – bát quái” tạo ra thế cân bằng. Lấy những cái đơn giản liên kết nhằm tạo sinh khí tỏa tứ hướng. Vì vậy, người thi công nhà rường Huế cần xác định trung tâm giữa hai đường tim nhà theo hướng Bắc – Nam, Đông – Tây để từ đó tìm các hướng tiền, hậu, tả, hữu. Theo đó, giàn trò, cột sẽ được dóng theo nguyên tắc này để xây dựng.


Nhà gỗ Nam Bộ sử dụng nhiều rường cột, rường kèo và rường mè với lối kiến trúc chữ đinh, chữ khẩu. Các gian trong nhà được phân cách bằng cột, chỉ sử dụng vách ngăn cho hai chái ở hai đầu nhà. Thông thường, một ngôi nhà sẽ có 3 gian 2 chái với 56 cột. Mỗi cây cột đều được kê trên đá, xi măng để tránh ẩm mốc. Các thanh kèo, xà, đòn ở gian chính được chạm khắc câu đối hoặc những chữ Nôm, chữ Hán có ý nghĩa một cách đầy tinh tế. So với nhà rường ở Huế thì nhà rường Nam bộ có kết cấu đơn giản hơn, sử dụng kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu guốc chè. Mái nhà thường cao, thoáng, lợp ngói hoặc lá. Thường có ít gian hơn, bố trí theo hướng thực dụng. Diện tích những ngôi nhà gỗ Nam Bộ không quá to, vừa phải.

Trong quá khứ, người Khmer tại ĐBSCL tụ cư trên những giồng đất chạy dài giữa một vùng đồng bằng thấp trũng, đôi khi ngập nước. Trên những giồng cao này, người Khmer định cư tập trung thành các làng, gọi là ‘phum’ (ភូមិ) với chục hộ gia gia đình. Những phum cạnh nhau sẽ hợp thành một sóc – ‘srok’ (សុក). Họ trồng lúa nước, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc,… Nhà ở có hai dạng: ở những vùng cao ráo thì nhà cất ngay trên mặt đất, những vùng thấp trũng thường ngập nước hoặc gần sông rạch thì nhà được cất thành nhà sàn. Đỉnh mái cong vút, hướng lên trời, tượng trưng cho sự vươn lên và kết nối với thế giới tâm linh. Các đầu đao (góc mái) được trang trí hình tượng Naga (rắn thần) hoặc Garuda (chim thần), mang ý nghĩa bảo vệ và xua đuổi tà ma. Những hình tượng này cũng mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, đem lại sự bình an và may mắn cho gia chủ.

